Với chủ đề “Thông tin không gian địa lý cho cuộc sống và môi trường thông minh”, Hội nghị FIG 2019 gây chú ý với những báo cáo dẫn đề từ những chuyên gia hàng đầu Việt Nam và Quốc tế về chủ đề liên quan đến biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, xây dựng thành phố thông minh. Phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Võ Chí Mỹ – Phó Chủ tịch Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam để làm rõ thêm nội dung này.
PV: Xin ông cho biết, công tác xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia có vai trò thế nào đối với phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đô thị thông minh, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường?
GS.TS Võ Chí Mỹ: Dữ liệu không gian địa lý đóng một vai trò rất quan trọng trong tất cả các nền kinh tế quốc dân; đặc biệt là khi chúng ta đang trong giai đoạn phát triển công nghiệp 4.0, phát triển các chương trình số hóa. Trong tất cả những thông tin thì thông tin không gian địa lý đóng một vai trò rất quan trọng để phát triển thành phố thông minh, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường…
Hiện nay, một đô thị thông minh và thành phố thông minh là xu hướng chung trên thế giới. Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Muốn phát triển đô thị thông minh bắt buộc phải có các thông tin không gian địa lý. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, 80% dữ liệu không gian địa lý đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch và quản lý đô thị thông minh, không chỉ cho người quản lý mà đặc biệt cho người dân trong thành phố biết sử dụng các dữ liệu phục vụ cho thành phố thông minh của mình.
Không những thế, thông tin không gian địa lý cũng đóng vai trò quan trọng đối với bảo vệ môi trường. Trong bảo vệ môi trường có ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, tai biến môi trường. Tất cả các vấn đề về môi trường đó đều cần có các dữ liệu không gian địa lý. Công nghệ không gian địa lý làm nhiệm vụ quan trắc môi trường, quản lý môi trường, quy hoạch môi trường.
PV: Thực tế ứng dụng dữ liệu không gian địa lý trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam ra sao, thưa ông?
GS.TS Võ Chí Mỹ: Hiện nay, Việt Nam đã có những chương trình lớn về bảo vệ môi trường nói chung. Trong đó có những vấn đề riêng về ứng dụng dữ liệu không gian địa lý để phòng chống thiên tai, phòng chống các tai biến tự nhiên; xây dựng các cơ sở dữ liệu để quản lý về ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường; xây dựng các hệ thống dữ liệu không gian địa lý phục vụ cho việc dự báo, cảnh báo những tai biến thiên nhiên như lũ lụt, nước biển dâng, phòng cháy rừng… Tất cả những cái đó đều cần công nghệ không gian địa lý và dữ liệu không gian địa lý.
PV:Với chủ đề “Thông tin không gian địa lý cho cuộc sống và môi trường thông minh”, những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên được chia sẻ như thế nào tại Hội nghị FIG 2019, thưa ông?
GS.TS Võ Chí Mỹ: Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề nước biển dâng. Đây là thách thức rất lớn đối với toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng, bởi mực nước biển dâng không những làm diện tích đất đai bị thu hẹp, mà còn làm nhiễm mặn một số nguồn nước ngọt, tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp, đe dọa đến cuộc sống nhân dân.
Khu vực vùng núi, tuy không chịu tác động trực tiếp của nước biển dâng nhưng cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp như: vấn đề an ninh lương thực, nước sạch và đất ở, gia tăng các hiện tượng lũ ống, lũ quét… Không những thế, hệ lụy của nước biển dâng còn ảnh hưởng xấu đến các lĩnh vực như: thủy sản, du lịch và môi trường sinh thái…
Công nghệ không gian địa lý nói chung và dữ liệu không gian địa lý nói riêng có vai trò quan trọng; cho phép chúng ta quan trắc sự biến động tài nguyên ở vùng ven biển. Công nghệ không gian địa lý cũng cho phép chúng ta xác định được mức độ nước biển dâng hàng năm như thế nào… Điều này hỗ trợ cho chúng ta rất nhiều trong việc phòng chống, ứng phó hoặc thích ứng với các điều kiện biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị FIG 2019, những vấn đề này chắc chắn được chia sẻ và thảo luận sôi nổi. Bởi vì slogan của Hội nghị lần này là “Thông tin không gian địa lý cho cuộc sống và môi trường thông minh”. Với chủ đề lớn như vậy, tất cả những đề tài nhỏ được phân ra 2 phần. Một phần tập trung vào việc làm cách nào để cho cuộc sống thông minh hơn. Phần thứ hai là ứng dụng các công nghệ và thông tin không gian địa lý để ứng phó với ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và tai biến môi trường.