Để bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa bão và lũ lụt còn diễn biến phức tạp từ nay tới cuối năm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ đạo khẩn trương thực hiện việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng đường bộ
Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải (GTVT); các Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án BOT;… chủ động đề ra các giải pháp cụ thể, tăng cường kiểm tra, theo dõi, sớm phát hiện các hư hỏng đường bộ để kịp thời xử lý.
Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý đường và nhà thầu bảo dưỡng phải cập nhật ngay thông tin hư hỏng vào “ Nhật ký tuần đường ”, hồ sơ quản lý đường, phần mềm GOVONE và các công cụ lưu trữ quản lý đường khác.
Đối với nhà thầu quản lý bảo dưỡng đường bộ nếu không thực hiện đúng hợp đồng, tiêu chuẩn bảo dưỡng, quy trình bảo trì, Thông tư 04/2019/TT-BGTVT về tuần đường và tuần kiểm đường bộ, thì phải kiên quyết xử lý hành chính, xử lý tài chính (trừ tiền), báo cáo để Tổng cục ĐBVN xem xét cấm hoặc trừ điểm khi lựa chọn thực hiện các gói thầu sau này.
Đặc biệt, Tổng cục đường bộ Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải hoàn thành sửa chữa trong phạm vi 2 ngày đối với hư hỏng đường ô tô cao tốc. Riêng các hố sâu hơn 10 cm phải dặm vá ngay bằng vật liệu để khắc phục mất an toàn giao thông do xe chạy tốc độ cao trên cao tốc.
Phải sửa chữa bằng kết cấu mặt đường hiện hữu hoặc theo tiêu chuẩn quy định, thời gian hoàn thành trong phạm vi 3 – 5 ngày đối với quốc lộ, riêng các hố sâu trên 10 cm không để tồn tại quá 1 ngày (trường hợp đặc biệt chưa khắc phục được hố sâu thì phải có biện pháp cảnh báo).
Trường hợp mặt đường xuất hiện hư hỏng nhưng trời mưa trên các quốc lộ phải sử dụng kết cấu chống được nước hoặc dùng cấp phối đá dăm, đá dăm tiêu chuẩn, cấp phối cuội sỏi để lấp vào các hố lún lõm, ổ gà để đảm bảo giao thông tạm.
Nếu xảy ra những hư hỏng lớn như sạt, lở nền đường, ta luy dương, ta luy âm và các hư hỏng khác do thiên tai thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai trong ngành đường bộ.
Đối với các gói thầu sửa chữa trên đường đang khai thác, Tổng cục đường bộ Việt Nam đề nghị các nhà thầu triển khai thi công nhanh, gọn, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.