Trong tuần sau, Sở TT-TT sẽ trình UBND TPHCM Quy chế tích hợp, quản lý, vận hành, khai thác Kho dữ liệu dùng chung của thành phố (gọi tắt là Quy chế). Đây sẽ là căn cứ để cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân khai thác, sử dụng kho dữ liệu; cũng là cơ sở nền tảng quan trọng để TPHCM hướng đến thành phố thông minh trong tương lai gần.
heo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, nhằm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh”, thành phố đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng Kho dữ liệu dùng chung, phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở, xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh, xây dựng Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội, thành lập Trung tâm an toàn thông tin thành phố. Qua gần 2 năm triển khai đề án, Kho dữ liệu dùng chung (giai đoạn 1) đã hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp dữ liệu hiện có của các sở ngành.
Một số cơ sở dữ liệu quan trọng đã được tích hợp về Kho dữ liệu dùng chung như: một cửa điện tử, khiếu nại tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, người nộp thuế, lao động nước ngoài, đất đai… “Tuần vừa rồi, Sở TT-TT đã tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Quy chế, đây là lần góp ý cuối cùng. Hội nghị ghi nhận ý kiến của các chuyên gia tư vấn, đại diện sở ngành, quận huyện về cách quản lý, vận hành, khai thác Kho dữ liệu dùng chung để trên cơ sở đó hoàn thiện quy chế, sẽ trình UBND TPHCM”, bà Võ Thị Trung Trinh cho biết.
Theo ghi nhận, trong các đóng góp cho dự thảo Quy chế, có nhiều ý kiến liên quan đến việc cập nhật dữ liệu cho người dân, như cần mở rộng thông tin đối tượng hộ gia đình (dữ liệu nhiều thông tin); cần bổ sung “khu vực” thông tin quan hệ với chủ hộ (vì hiện nay hệ thống không thấy thể hiện các thông tin quan hệ). Ngoài ra, có ý kiến cho rằng dữ liệu của Sở TN-MT và Sở Xây dựng hết sức quan trọng nên thông tin cần hướng đến người dân nhiều hơn. Đồng thời, khi đưa vào khai thác Kho dữ liệu dùng chung, cần quy định rõ phạm vi, mức độ khai thác thông tin của từng đối tượng; thẩm định về độ mở của từng loại thông tin trước khi cung cấp đại trà; đảm bảo tính bảo mật thông tin…
Theo dự thảo Quy chế, danh mục điện tử dùng chung gồm có 4 thành phần chính: danh mục liên quan đến đối tượng người dân (giới tính, dân tộc, nhóm máu, tình trạng hôn nhân, nơi ở, chứng minh nhân dân…); danh mục liên quan đến đối tượng doanh nghiệp (mã số, tên, địa chỉ trụ sở, loại hình, vốn, thành viên góp vốn, tình trạng hoạt động, thuế…); danh mục liên quan đến vị trí địa lý (đường, xã phường thị trấn, quận huyện, quốc tịch, tỉnh thành…); danh mục liên quan đối tượng quản lý và thủ tục hành chính (danh mục thủ tục hành chính và danh mục định danh cơ quan nhà nước).
Liên quan đến Kho dữ liệu dùng chung, vào tháng 10-2018, UBND TPHCM đã công bố Kiến trúc chính quyền điện tử TPHCM. Đây là kế hoạch tổng thể, giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của thành phố để tránh lãng phí, trùng lắp và tiết kiệm ngân sách; đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TPHCM phát triển thành đô thị thông minh và nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp; đồng thời khai thác sự phát triển nhanh của các công nghệ mới trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguyên tắc chung của Kiến trúc chính quyền điện tử TPHCM là tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, bám sát Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025; đồng thời hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số để quản lý và điều hành đô thị thông minh. Theo đó, những chuẩn mực xây dựng và phát triển đô thị thông minh luôn được tham chiếu trong từng bước chuyển đổi trạng thái ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền thành phố. Trong nghiệp vụ điều hành chính quyền, Kiến trúc chính quyền điện tử TPHCM giúp cải thiện, nâng cấp dịch vụ công với việc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Do đó, việc xây dựng Kho dữ liệu dùng chung đã được chú ý ngay từ đầu, nhất quán chủ trương xây dựng Kho dữ liệu dùng chung có thể chia sẻ, kết nối để tối ưu hóa việc khai thác. Lộ trình cũng được đề ra với mục tiêu đến năm 2020, cơ bản hoàn tất triển khai hệ thống quản lý văn bản, điều hành điện tử và hệ thống một cửa điện tử liên thông; hình thành Kho dữ liệu dùng chung về người dân, doanh nghiệp, bản đồ số.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/san-sang-mo-cua-kho-du-lieu-dung-chung-625742.html