Công nghệ số nói chung trong đó bao gồm hệ thống thông tin địa lý (GIS) là một công cụ hữu ích trong việc tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu gắn kết với bản đồ, tiến bộ này đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển. Việc áp dụng hệ thống GIS vào lĩnh vực quy hoạch xây dựng sẽ giúp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thiết kế, là công cụ đắc lực cho các ban, ngành, địa phương trong việc quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.
Tuy nhiên, cho đến nay GIS Quốc gia còn chưa thực sự là nền tảng ứng dụng cho các ngành bao gồm cả lĩnh vực quy hoạch quản lý đô thị. Công tác lập bản đồ nền số hoá bằng công nghệ GIS đã và đang triển khai nhưng chưa phát huy rõ hiệu quả thực tiễn, rất cần một lộ trình và định lượng khoa học cụ thể cho công tác ứng dụng công nghệ số và GIS, đảm bảo kiểm soát năng lực hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý đô thị trong thời gian tới.
Bối cảnh GIS tại Việt Nam
Tại Việt Nam, công nghệ GIS được thí điểm khá sớm và được sử dụng phổ biến để quản lý nhiều lĩnh vực. Từ năm 1995, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập dự án Hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, tạo điều kiện cho nhiều cơ quan trong cả nước tiếp cận với công nghệ thông tin địa lý (GIS). Hàng năm công nghệ GIS đều được Bộ Khoa học và Công nghệ xác định là một trong những nội dung nghiên cứu ứng dụng phục vụ nghiên cứu chuyên ngành và hiện đại hóa quản lý nhà nước.
Thực tế cho thấy trình độ ứng dụng GIS tại Việt Nam nói chung chưa đạt mức phát triển cao trên thế giới, hiện chỉ đạt trung bình. Cơ sở dữ liệu còn chưa đồng bộ và thiếu tính liên kết. Các cơ quan tự tạo lập dữ liệu qua quá trình nghiên cứu triển khai cụ thể nên hệ thống dữ liệu cũng đã tản mát, khó tập trung. Số liệu của ngành thống kê rất cần thiết để sử dụng chung cho các ngành nhưng không đủ chi tiết.
Điểm mạnh của GIS so với các công nghệ khác là khả năng gắn kết các thông tin kể cả yếu tố không gian phục vụ phân tích và truy cập theo yêu cầu. GIS là một công nghệ kết hợp nhiều loại hình công nghệ (đồ họa trên máy tính, bản đồ trợ giúp bằng máy tính, viễn thám,…), đặc biệt với khả năng phân tích, GIS được coi như là một công cụ trợ giúp đắc lực hiện nay, hệ thống GIS đã và đang được ứng dụng trong nhiều bộ ngành ở các lĩnh vực: quy hoạch xây dựng, sử dụng đất, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, các cơ quan đo đạc bản đồ… và đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại một số trường đại học.
Trong lĩnh vực Tài nguyên & môi trường, từ cuối những năm 1980, GIS và viễn thám đã được giới thiệu vào lĩnh vực giám sát tài nguyên môi trường thông qua dự án hợp tác quốc tế. Hệ thống GIS chủ yếu vẫn hoạt động độc lập riêng biệt, chưa có sự liên kết khớp nối liên ngành. Bộ Tài nguyên và môi trường đã ban hành một số văn bản quy định liên quan đến hệ thống ký hiệu và quy chuẩn trong việc thể hiện bản đồ; tuy nhiên đây mới chỉ là quy chuẩn ngành.
Trong ngành giao thông vận tải, hệ thống GIS đã được áp dụng thực tế vào một số yêu cầu cụ thể về quản lý cơ sở hạ tầng giao thông cũng như quản lý phương tiện giao thông theo thời gian thực. Phần mềm GIS được sử dụng phổ biến là MapInfo.
Trong lĩnh vực đo đạc bản đồ: đã ứng dụng hệ thống GIS trong việc thành lập bản đồ ảnh số, thành lập bản đồ địa hình, bản đồ địa chính bằng công nghệ số, đo đạc và thành lập các lưới tọa độ, độ cao, xây dựng các cơ sở dữ liệu nền GIS cho các thành phố. Phần mềm GIS được sử dụng: Intergraph, MapInfo, ArcGIS…
Trong công tác quy hoạch xây dựng, công nghệ GIS thời gian gần đây đã được áp dụng tại một số đơn vị trong ngành quy hoạch xây dựng và cơ quan quản lý địa phương như: Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc Gia, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, tại Đà Lạt, Nam Định,… và nhiều cơ quan khác. Tuy nhiên, trong thực tế công tác lập quy hoạch xây dựng hiện nay vẫn chủ yếu thực hiện theo công nghệ truyền thống với phần mềm hỗ trợ thiết kế AutoCad và các phần mềm diễn họa. Trong các bước tác nghiệp lập QHXD nội dung nghiên cứu quy hoạch nói chung như: Lập nhiệm vụ quy hoạch, thu thập số liệu hiện trạng, đánh giá hiện trạng và xác định tiềm năng phát triển đô thị, định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, đánh giá môi trường chiến lược, thiết kế đô thị,… hầu hết đều chưa ứng dụng công nghệ GIS để hỗ trợ quy hoạch.
Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt là hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác quản lý thông tin kiến trúc, quy hoạch hỗ trợ phát triển đô thị còn hạn chế. Do vậy, công tác quản lý dữ liệu ngành hiện tại chưa đạt hiệu quả cao, việc cập nhật, theo dõi các hoạt động, tra cứu thông tin khi cần thiết là một vấn đề khó khăn. Ngoài ra, tại cơ quan Trung ương Bộ Xây dựng cũng chưa có một đơn vị nào có vai trò là trung tâm tích hợp dữ liệu với vai trò tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quy hoạch nói riêng hay dữ liệu ngành xây dựng nói chung.
Kinh nghiệm ứng dụng GIS trên thế giới
Tại Nhật Bản, ứng dụng GIS đã được áp dụng rất phổ biến trong mọi lĩnh vực. Những năm 70, các nghiên cứu tập trung vào xây dựng hệ thống thông tin khu vực, thông tin đô thị, hệ thống thông tin về sử dụng đất, mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đô thị. Những năm 80, triển khai ứng dụng vào công tác quản lý tại địa phương (quy hoạch, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật đô thị…), nghiên cứu nâng cao và chuyên sâu vào hệ thống thông tin đô thị. Những năm 90, áp dụng vào đa ngành, liên ngành (nông nghiệp, khảo cổ, khoa học trái đất, giao thông, quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai, giáo dục). Nhật Bản đã ứng dụng GIS trong công tác quản lý và quy hoạch xây dựng từ cấp Chính phủ đến các bộ ngành liên quan và công tác đào tạo quy hoạch trong các trường đại học.
Tại Bắc Mỹ (Hoa Kỳ & Canada), Mỹ là một trong những nước đi đầu về công nghệ GIS, hệ thống dữ liệu quốc gia được xây dựng rất hoàn chỉnh dựa trên hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. GIS đã được phát triển ở khắp các lĩnh vực liên quan đến không gian lãnh thổ như: môi trường (lâm nghiệp, hải dương học, địa chất học, khí tượng thuỷ văn,…); hành chính – xã hội (nhân khẩu học, quản lý rủi ro, an ninh,…); kinh tế (nông nghiệp, khoáng sản, dầu mỏ, kinh doanh thương mại, bất động sản, giao thông vận tải, bưu điện,…); đa ngành liên ngành (trắc địa, quản lý đất đai, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, thuế bất động sản…). Đã có nhiều phần mềm GIS của Mỹ được lập và sử dụng tại nhiều nước trên Thế giới như: ESRI, Integraph, MapInfo, Autodesk; phần mềm GIS của Mỹ chiếm thị phần lớn nhất trên thế giới.
Tại Pháp, các lĩnh vực ứng dụng công nghệ GIS như: Dịch vụ công (quy hoạch lãnh thổ quốc gia, địa chính, lãnh thổ địa phương, dân số học, hạ tầng xã hội, giáo dục, quốc phòng,…), tiếp vận (hàng không, tối ưu hóa hành trình tuyến đường…); môi trường/tài nguyên (nông nghiệp, địa chất, quản lý đất,…); bất động sản (kiến trúc, xây dựng, quản lý di sản…); hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, cấp điện, quản lý mạng lưới, gas, thông tin lien lạc…); thị trường (bảo hiểm, ngân hàng, thương mại…); xã hội, tiêu dùng (xuất bản, y tế, du lịch).
Trong quy hoạch phát triển đô thị, GIS được áp dụng thành công trong quy hoạch lãnh thổ quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị do có nền tảng dữ liệu Quốc gia phong phú, nền chuẩn Quốc gia – địa hình, địa chính, bản đồ không ảnh, số liệu thống kê và nhiều chuyên ngành khác.
Tại Hàn Quốc, GIS đã được áp dụng vào hầu hết mọi lĩnh vực trên cả nước. Hàn Quốc đã triển khai xây dựng hệ thống GIS quốc gia chia thành 03 giai đoạn: 1995 – 2000, 2001 – 2005 và 2006 – 2010 với tổng mức đầu khoảng 2 tỷ USD nhằm tập trung vào các mục tiêu: xây dựng nền tàng cơ sở (bản đồ địa hình toàn quốc, địa chính, dữ liệu phi không gian…); xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian (khung dữ liệu quốc gia, ngân hàng dữ liệu, phát triển công nghệ GIS, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, đào tạo chuyển giao công nghệ…); xây dựng hệ thống ứng dụng đa ngành (hệ thống quản lý thông tin đất đai, hệ thống quản lý thông tin quy hoạch, hệ thống quản lý thông tin kiến trúc…); đang phát triển hệ thống nâng cao (thành phố thông minh-U-city, tối ưu hóa ứng dụng nâng cao, hệ thỗng hỗ trợ quyết sách quy hoạch…).
Một số nghiên cứu ứng dụng trong Quy hoạch đô thị tại Việt Nam
Trong việc xây dựng hệ thống hỗ trợ quy hoạch, Hàn Quốc đã và đang phát triển 09 mô hình phân tích hỗ trợ quy hoạch như: đánh giá lựa chọn đất phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất, dự báo nhu cầu sử dụng đất, đánh giá hệ thống công trình công cộng, cải tạo đô thị, tái phát triển đô thị, quy hoạch cảnh quan, phân tích đa biến.
Năm 2005, Chính phủ Hàn Quốc và một số bộ ngành đã sang làm việc với Việt Nam trong việc giới thiệu, hợp tác và phát triển hệ thống GIS Quốc gia. Đến thời điểm hiện nay Hàn Quốc đã cơ bản hoàn thành mục tiêu phát triển GIS quốc gia trong khi Việt Nam vẫn đang triển khai trong giai đoạn đầu tiên.
Nền tảng cơ sở: hạ tầng cơ sở dữ liệu không gian quốc gia đóng vai trò thiết yếu và là nền tảng của GIS Quốc gia (NGIS). Hai thành phần chính quan trọng của NGIS là: Dữ liệu khung và ngân hàng dữ liệu thông tin địa lý quốc gia; Dữ liệu khung bao gồm 10 nội dung khác nhau thuộc các lĩnh vực quản lý chuyên ngành của từng Bộ/ngành, được kết nối và chia sẻ thông tin phục vụ chung cho Quốc gia. Hệ thống dữ liệu không gian chuyên ngành (bản đồ số địa hình, địa chính, hành chính, bản đồ chi tiết về thổ nhưỡng, bản đồ không gian xanh tự nhiên, bản đồ địa chất,…) được chia sẻ thông qua Ngân hàng dữ liệu Quốc gia.
Đồng thời với việc xây dựng ngân hàng và hạ tầng khung dữ liệu Quốc gia, tiến hành xây dựng các tiêu chuẩn dữ liệu không gian thống nhất trên toàn quốc (bao gồm các tiêu chuẩn pháp lý & tiêu chuẩn chung phù hợp với quốc tế, vùng, quốc gia và các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật của từng Bộ/ngành).
Đào tạo GIS: Một trong những yếu tố quan trọng cho việc thành công của việc xây dựng hệ thống GIS là yếu tố con người và tổ chức. Việc đào tạo được ưu tiên lên hàng đầu từ cán bộ địa phương đến cán bộ trung ương tham gia vào dự án GIS quốc gia, việc đào tạo có thể được thực hiện theo hai hình thức tại chỗ và qua mạng. Về lâu dài có thể cung cấp hệ thống giáo dục GIS tùy biến theo nhu cầu người sử dụng; trong một xã hội thông tin tiên tiến, GIS được phố cập tới tất cả các người dân.
Xem thêm: Công nghệ 4.0 đang tác động tới các doanh nghiệp Việt Nam
Phát triển một số hệ thống ứng dụng:
Hệ thống thông tin quản lý đất đai (LMIS): các thủ tục hành chính liên quan tới đất đai được thực hiện bởi Bộ TN&MT (chính sách đất đai, thẩm định, chuyển nhượng và quyền sử dụng đất), số hóa bản đồ địa chính, số hóa hồ sơ quyền sử dụng đất.
Hệ thống thông tin quy hoạch toàn quốc (UPIS): là hệ thống thông tin địa lý hỗ trợ cho quy hoạch đô thị, xây dựng chính sách và thi hành các chính sách bằng việc thu thập và quản lý một cách có hệ thống các dữ liệu không gian và dữ liệu thuộc tính được lập và quản lý bởi các đơn vị, tổ chức liên quan.
Hệ thống thông tin quy hoạch được xây dựng và được chủ trì bởi Bộ Xây dựng. Hệ thống thông tin quy hoạch được xây dựng với ba cấp: hệ thống UPIS trung ương tại Bộ Xây dựng; hệ thống UPIS cấp Tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương và hệ thống UPIS cấp địa phương tại các thànhphố, thị trấn, thị xã.
Ngoài ra, các ngành có thể xây dựng và phát triển các hệ thống ứng dụng chuyên biệt theo lĩnh vực quản lý và tích hợp chung trong Ngân hàng dữ liệu Quốc gia.
Hệ thống GIS nâng cao:
Thành phố thông minh (U-City /Smart city): Đây là tầng phát triển cao nhất hệ thống GIS Quốc gia nhằm mang lại cho đô thị một mô hình đô thị mới với công nghệ hiện đại. Khi mạng lưới Internet gắn kết vào chức năng quản lý đô thị thông qua không gian Internet, U-city được giới thiệu với công nghệ IT trong mọi yếu tố của đô thị, cho phép người dân có thể tiếp cận và sử dụng tại mọi thời điểm, mọi không gian và từ bất kỳ thiết bị nào. U-city cung cấp nhiều loại dịch vụ và không giới hạn như: U-Home tạo nên một hệ thống nhà ở tiện nghi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống; U-Building, U-Parking, U-Security: Các tòa nhà và công sở thông minh nhằm thu hút các công ty đa quốc gia; U-Street, U-Traffic: Khu vực công cộng với các công nghệ hiện đại, hạ tầng giao thông thông minh đảm bảo an toàn, thuận tiện,… U-city đem lại những tác động tích cực đến phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, công nghiệp xây dựng, hạ tầng. Bên cạnh đó, U-city góp phần thỏa mãn nhiều mục đích khác nhau như quản lý đô thị hiệu quả, hạ tầng tiên tiến, môi trường sống tiện lợi. Ngoài ra U-city tạo tiềm năng phát triển và tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển.
Hệ thống hỗ trợ quyết sách quy hoạch (PSS): được phát triển nâng cao trên nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian và các hệ thống ứng dụng cho phép hỗ trợ đưa ra các quyết định về không gian, hỗ trợ chính phủ/các nhà quy hoạch để giải quyết vấn đề trong quá trình lập quy hoạch. Mục đích của hệ thống hỗ trợ PSS là đưa ra các công cụ hỗ trợ một cách khoa học cho công tác lập quy hoạch hướng tới phát triển bền vững. Hệ thống hỗ trợ PSS bao gồm 4 hệ thống khác nhau: hệ thống quản lý dữ liệu, hệ thống lấy ý kiến chuyến gia, hệ thống quản lý mô hình và giao diện diện sử dụng. Chiến lược môi trường nền được chia thành các nền tảng khác nhau: cơ sở dữ liệu không gian hợp nhất, tiêu chuẩn hóa, và sự hợp tác phát triển hệ thống.
Phân tích lựa chọn đất xây dựng đô thị là một nội dung quan trọng trong quy hoạch chung đô thị Việt Nam. Việc áp dụng một phương pháp phân tích khoa học đa tiêu chí, phân tích tầng bậc trong môi trường GIS phục vụ đánh giá đất tổng hợp xem xét các yếu tố trên 3 phương diện phát triển bền vững (kinh tế, xã hội & môi trường) là một yêu cầu quan trọng trong việc đổi mới phương pháp lập quy hoạch đô thị Việt Nam.
Thông qua hệ thống GIS có thể thực hiện các phân tích đa tiêu chí, xây dựng các kịch bản lựa chọn đất xây dựng dựa trên tổng hợp nhiều yếu tố theo trọng số khác nhau: điều kiện tự nhiên, lịch sử hình thành phát triển đô thị, các bản đồ hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng kiến trúc cảnh quan, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật và hiện trạng môi trường; từ đó các yếu tố được phân tích, đánh giá tổng hợp phục vụ lựa chọn đất xây dựng.
GIS có thể áp dụng xuyên suốt trong quá trình lập đồ án Quy hoạch đô thị. Trong đồ án Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, GIS đã được áp dụng từ bước nghiên cứu, thu thập số liệu, phân tích đánh giá hiện trạng theo các chuyên đề: điều kiện tự nhiên (địa hình, mô hình số độ cao, thủy hệ,…), hệ thống hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, TDTT,…), hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, TNB & VSMT…), sử dụng đất, kinh tế xã hội (dân số, lao động, đói nghèo, phát triển kinh tế,…) làm cơ sở để đánh giá tổng hợp các lĩnh vực, xác định các kịch bản phát triển không gian, sử dụng đất theo hướng phát triển bền vững. Hồ sơ quy hoạch sau khi được phê duyệt được chuẩn hóa, chuyển đổi sang cơ sở dữ liệu GIS có khả năng khai thác nhanh phục vụ tốt cho công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch, giảm thiểu việc tra cứu hồ sơ quy hoạch theo phương pháp truyền thống.
Xem thêm: Bối cảnh Việt Nam đã sẵn sàng bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ 4.0?
Định hướng phát triển GIS trong công tác quản lý phát triển đô thị tại Việt Nam
Nhằm mục đích ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý GIS nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác kiến trúc, quy hoạch phục vụ quản lý phát triển đô thị, cần triển khai đồng bộ các nội dung sau: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hệ thống đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; xây dựng hệ thống hỗ trợ quyết sách quy hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong công tác kiến trúc, quy hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về điển hình hóa trong kiến trúc, quy hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công trình kiến trúc theo vùng miền; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở tại các địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng phát triển đô thị tại các địa phương.
Ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý Ngành và quản lý phát triển đô thị: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong công tác kiến trúc, quy hoạch; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về điển hình hóa trong kiến trúc, quy hoạch; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công trình kiến trúc theo vùng miền; Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống đô thị trên toàn quốc; rà soát, xây dựng hệ thống thông tin thống kê và các chỉ số phát triển đô thị.
Ứng dụng trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng: Xây dựng cơ sở dữ liệu đồ án quy hoạch trên phạm vi cả nước (quy hoạch xây dựng Vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch điểm dân cư nông thôn,…); Xây dựng chuẩn hóa cơ sở dữ liệu GIS trong đồ án quy hoạch; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở tại các địa phương; Xây dựng cơ sở dữ liệu hiện trạng phát triển đô thị (địa hình, địa chất, sử dụng đất, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, mô hình số độ cao,…); Xây dựng hệ thống chuẩn bản đồ, biểu mẫu báo cáo tình hình triển khai quy hoạch trên cả nước và theo từng vùng; Xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu; mô hình và cơ chế vận hành hệ thống; Bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ báo cáo, cơ chế chia sẻ cơ sở dữ liệu về quy hoạch và phát triển đô thị trong ngành Xây dựng.
Ứng dụng trong công tác lập đồ án quy hoạch: Xây dựng hệ thống hỗ trợ quyết sách quy hoạch; Xây dựng các mô hình phân tích không gian phục vụ công tác lập đồ án quy hoạch (đánh giá khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đánh giá biến động sử dụng đất và tình hình triển khai quy hoạch, phân tích lựa chọn đất xây dựng đô thị, phân tích tính phù hợp đất đai cho phát triển các khu chức năng đô thị,…).
Kết luận
Với định hướng phát triển công nghệ theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011-2015; theo đó, để phục vụ mục tiêu dài hạn xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam, các cơ quan Bộ ngành ở cấp trung ương và các cơ quan quản lý địa phương được giao nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành phục vụ công tác quản lý Nhà nước.
Đồng thời, tại chỉ thị 09/2008/CT-TTg ngày 28/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho BXD: “Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương việc quản lý quy hoạch xây dựng, đặc biệt là công tác công khai và cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương”; giao các Tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương: “Thành lập, bố trí địa điểm và nguồn kinh phí hoạt động cho các trung tâm dữ liệu thông tin về quy hoạch trên cơ sở xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS), thiết lập sa bàn (mô hình) theo đồ án quy hoạch xây dựng và tình hình triển khai đề án đầu tư xây dựng theo quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng, cấp chứng chỉ quy hoạch xây dựng”.
Với thực tế phát triển ứng dụng GIS hiện nay còn đơn lẻ, thiếu sự kết nối chia sẻ liên ngành và đồng bộ. Việc nghiên cứu phát triển ứng dụng GIS trong các ngành nói chung và ngành Xây dựng nói riêng cần được xây dựng theo hướng tiếp cận một cách hệ thống, bài bản. Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu tại Việt Nam và hợp tác hỗ trợ phát triển của các tổ chức Quốc tế, trong giai đoạn tới cần thiết phải triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia và cơ sở dữ liệu ngành xây dựng phục vụ quản lý phát triển đô thị, nghiên cứu ứng dụng GIS trên diện rộng tại Trung ương và địa phương trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị đảm bảo kiểm soát năng động và hiệu quả các hoạt động xây dựng đô thị./.
Theo TS. KTS. Lưu Đức Minh
Viện Quy hoạch Môi Trường, HTKT đô thị và nông thôn (IRURE), Viện QHĐT&NT Quốc Gia (VIUP)
Nguồn: kientrucvietnam.org.vn