Hiện nay, một số tỉnh – thành phố đã và đang xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ tại các ngành như Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Quy hoạch xây dựng,… và bước đầu đã đem lại những hiệu quả nhất định về mặt khoa học – công nghệ, kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai và vận hành các cơ sở dữ liệu này chủ yếu theo mô hình đơn lẻ, độc lập theo từng chuyên ngành và do đó có một số hạn chế nhất định như: các hệ thống cơ sở dữ liệu đang được triển khai phân tán tại nhiều địa điểm khác nhau; người dùng (lãnh đạo, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ quan liên quan) khi cần khai thác dữ liệu (đặc biệt là dữ liệu liên ngành) phải truy cập nhiều hệ thống khác nhau để tra cứu, tổng hợp, phân tích dữ liệu; các hệ thống cơ sở dữ liệu được triển khai trong nhiều năm với nền tảng công nghệ không đồng nhất dẫn đến chi phí vận hành, bảo trì các hệ thống lớn; việc chia sẻ, trao đổi dữ liệu gặp nhiều khó khăn mặc dù về lý thuyết có thể thực hiện qua trục tích hợp dữ liệu LGSP của tỉnh, dẫn đến không cung cấp được giá trị gia tăng từ việc kết hợp dữ liệu đa ngành, đa lĩnh vực (ví dụ kết hợp dữ liệu đất đai & quy hoạch đô thị để cung cấp thông tin cho người dân,…); một số hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành được thiết kế “đóng”, vì vậy việc mở rộng hệ thống nhằm đáp ứng các yêu cầu mới gặp nhiều khó khăn.
Nhận thức được các hạn chế nêu trên, một số tỉnh – thành phố đã thay đổi cách tiếp cận trong việc triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đó là thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu đa ngành tập trung và dùng chung trên phạm vi toàn tỉnh – thành phố.
Mô hình hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và dùng chung cấp tỉnh – thành phố
Việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu đa ngành tập trung và dùng chung trên phạm vi toàn tỉnh – thành phố theo mô hình này đã đem lại một số lợi ích thiết thực sau: nâng cao giá trị sử dụng của từng cơ sở dữ liệu chuyên ngành do có thể sử dụng kết hợp đồng bộ với các cơ sở dữ liệu của nhiều ngành khác nhau. Mặt khác, một phần cơ sở dữ liệu chuyên ngành được công khai cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận công khai để phục vụ sự phát triển chung của xã hội; giải quyết tốt yêu cầu chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa các ngành; khắc phục được tình trạng cát cứ dữ liệu, tránh được sự đầu tư trùng lặp, lãng phí trong việc thiết lập cơ sở dữ liệu ban đầu cũng như cập nhật dữ liệu trong quá trình vận hành sau này; hỗ trợ ra quyết định trong quy hoạch, dự báo, chiến lược, chính sách, hỗ trợ công tác quản lý quy hoạch, hạ tầng đô thị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhờ có thể kết hợp nhiều nguồn dữ liệu với nhau nhằm đưa ra những quyết định chính xác và toàn diện, giải quyết các vấn đề mang tính tổng thể, liên ngành; tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, thành phố do hệ thống được triển khai tập trung trên hạ tầng CNTT tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh – thành phố cũng như sử dụng chung một số thành phần của hệ thống như: dữ liệu nền, phần mềm nền, bộ ứng dụng dùng chung,…
Để triển khai thành công mô hình hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và dùng chung cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị với vai trò, chức năng, nhiệm vụ cụ thể:
UBND tỉnh – thành phố: chỉ đạo các sở, ngành trong suốt lộ trình triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và ban hành khung cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh cũng như quy chế vận hành hệ thống.
Sở Thông tin và Truyền thông: cung cấp và đảm bảo hạ tầng kỹ thuật CNTT triển khai hệ thống, dự thảo – trình UBND tỉnh ban hành khung cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và quy chế vận hành hệ thống. Ngoài ra, với vai trò là cơ quan chuyên môn về CNTT của tỉnh – thành phố, đơn vị này chịu trách nhiệm định hướng về mặt chuyên môn cho các sở, ngành trong lộ trình các đơn vị xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng như thực hiện giám sát nhật ký và tình trạng hoạt động của toàn bộ hệ thống.
Các đơn vị quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành: trực tiếp quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu theo chuyên ngành quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu chuyên ngành kết hợp với dữ liệu dùng chung và dữ liệu được chia sẻ từ các sở, ngành khác phục vụ tác nghiệp hàng ngày. Trích xuất dữ liệu chuyên ngành phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư theo các quy định hiện hành.
Người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư: người dân được phép tiếp cận thông tin đất đai, quy hoạch, môi trường,… thông qua các ứng dụng công khai thông tin trên web và di động. Doanh nghiệp, nhà đầu tư được tiếp cận thông tin phục vụ kinh doanh, đầu tư như thông tin đất đai, quy hoạch, thông dự án đầu tư, thông tin KTXH,… Du khách được tiếp cận thông tin văn hóa, du lịch, di sản,… trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, người dân còn được cung cấp các công cụ cho phép tương tác và gửi các phản ánh, kiến nghị từ hiện trường đến cơ quan quản lý nhà nước bằng thiết bị di động.
Trên cơ sở mô hình triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và dùng chung tại các tỉnh – thành phố, có cơ sở áp dụng và triển khai mô hình này cho hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường Quốc gia theo mô hình tập trung, thể hiện ở một số điểm như sau:
- Về mô hình triển khai: hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường Quốc gia được triển khai theo mô hình tập trung trên hạ tầng CNTT tại Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường hoặc tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các đơn vị trực thuộc Tổng cục môi trường cùng như cá nhân, đơn vị khác kết nối vận hành hệ thống trực tuyến qua môi trường mạng Internet hoặc mạng dùng riêng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Về các cơ sở dữ liệu thành phần trong cơ sở dữ liệu môi trường Quốc gia: bao gồm đầy đủ cơ sở dữ liệu thành phần theo lĩnh vực quản lý của Tổng cục môi trường như: chất lượng môi trường, nguồn thải, môi trường làng nghề, ô nhiễm tồn lưu, khu – cụm công nghiệp, đa dạng sinh học, thanh tra môi trường, bản đồ nền và các hồ sơ – dữ liệu số khác thuộc lĩnh vực môi trường,…
- Về vai trò của các đơn vị tham gia vào mô hình:
Tổng cục môi trường: chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong suốt lộ trình triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường Quốc gia, ban hành khung cơ sở dữ liệu môi trường thống nhất cấp quốc gia cũng như ban hành các quy chế vận hành hệ thống.
Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường: cung cấp và đảm bảo hạ tầng kỹ thuật CNTT triển khai hệ thống, dự thảo – trình Tổng cục môi trường ban hành khung cơ sở dữ liệu môi trường Quốc gia thống nhất cũng như dự thảo quy chế vận hành hệ thống. Ngoài ra, với vai trò là cơ quan chuyên môn về CNTT của Tổng cục môi trường, Trung tâm chịu trách nhiệm định hướng về mặt chuyên môn cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục trong lộ trình các đơn vị xây dựng các cơ sở dữ liệu thuộc các lĩnh vực do đơn vị quản lý và thực hiện giám sát nhật ký, tình trạng hoạt động của toàn bộ hệ thống.
Các đơn vị trực thuộc Tổng cục môi trường: trực tiếp quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực quản lý kết hợp với dữ liệu dùng chung và dữ liệu được chia sẻ từ các đơn vị khác phục vụ tác nghiệp hàng ngày. Trích xuất dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư theo các quy định hiện hành.
Người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư: được phép tiếp cận thông tin chất lượng môi trường thông qua các ứng dụng công khai thông tin trên web và di động. Ngoài ra, người dân còn được cung cấp các công cụ cho phép tương tác và gửi các phản ánh, kiến nghị thuộc lĩnh vực môi trường từ hiện trường đến cơ quan quản lý nhà nước bằng thiết bị di động.