Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng về công tác duy tu sửa chữa đường bộ, Bộ trưởng đánh giá, Tổng cục Đường bộ VN đang quản lý khối tài sản lớn với gần 25.000km quốc lộ. Trong năm 2019, Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ giải thể, dù khó khăn về nguồn vốn nhưng Tổng cục vẫn đảm bảo tốt công tác này. Năm 2019 cũng là năm đầu tiên TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí, về số vụ, số người chết và số người bị thương. Điều này chứng tỏ công tác quản lý vận tải, sửa chữa kết cấu hạ tầng, khắc phục “điểm đen” bước đầu phát huy hiệu quả. Liên quan đến nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN tập trung hoàn thiện thể chế bằng việc tham mưu Bộ GTVT và các cơ quan chức năng sớm ban hành Luật GTĐB mới. “Cùng đó, khi Nghị định 86 và Nghị định 46 ban hành, Tổng cục cần tham mưu để Bộ điều chỉnh một số Thông tư có liên quan để thực thi hiệu quả nhất”. Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ năng lực, nhất là về công nghệ thông tin để phát triển bền vững. “Năm lĩnh vực của ngành GTVT chỉ có duy nhất 1 tổng cục, do đó Tổng cục Đường bộ VN phải nỗ lực đổi mới, đi đầu về công nghệ để xứng đáng là “anh cả” trong ngành GTVT để các đơn vị khác làm theo”, Bộ trưởng nói và cho rằng, Chính phủ đã công bố cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, Tổng cục Đường bộ VN cấp bằng lái xe phải triệt để áp dụng theo tinh thần cấp cho người dân nhanh, thuận lợi, tiết kiệm nhất.
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, để tăng tính cạnh tranh, năm 2019, Tổng cục Đường bộ VN đã đấu thầu qua mạng 100% dự án, gói thầu bảo trì đường bộ. Năm 2019 cũng là năm thứ hai Tổng cục chỉ đạo bảo dưỡng thường xuyên theo tiêu chí chất lượng thực hiện, đến nay đã duy tu, bảo dưỡng đạt 100% kế hoạch năm.
Tăng cường quản lý chất lượng công tác BDTX thông qua tuần đường, tuần kiểm, kiểm tra của các cấp đồng thời xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Tiếp tục ứng dụng công nghệ quản lý trên phần mềm (GovOne và các phần mềm khác), ứng dụng các thiết bị trong kiểm tra cầu đường; cập nhật thông tin quản lý cầu đường và kết cấu hạ tầng đường bộ.
Tiếp tục thực hiện quản lý các dự án BOT trong giai đoạn kinh doanh khai thác. Tổ chức rà soát, điều chỉnh phương án tài chính theo quy định tại Hợp đồng; tổng hợp, báo cáo doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ và các chỉ tiêu tài chính; xử lý các bất cập tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, Nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.
Tổ chức giám sát tại các Trạm thu phí nhằm minh bạch hóa công tác thu phí BOT, kịp thời phát hiện những tồn tại để ngăn chặn và xử lý đối với các vi phạm. Đôn đốc các Nhà đầu tư BOT nộp phí sử dụng tài sản nhà nước.
Tăng cường kiểm tra hiện trường; tiếp tục ưu tiên xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên QL; bổ sung vạch sơn, biển báo, đinh phản quang và các điểm mất ATGT phát sinh trong quá trình khai thác. Các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm sẽ tăng cường tường phòng hộ, xây dựng các đường cứu nạn, hốc cứu nạn để cứu nguy cho các xe mất phanh; hoàn chỉnh hệ thống báo hiệu trên đường cao tốc.
Xử lý kịp thời các sự cố cầu đường; tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang, công trình; xử lý nghiêm các tình trạng vi phạm giao thông qua đường dây nóng, tuần tra, kiểm soát, trích xuất dữ liệu camera của cơ quan quản lý đường. Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác tổ chức giao thông, xử lý điểm đen, điềm tiềm ẩn tai nạn giao thông; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương tuyên truyền về đảm bảo TTATGT; duy trì hoạt động đường dây nóng đến từng đơn vị cơ sở.
Nguồn: https://congdoangiaothongvantai.com.vn/tin-hoat-dong-cac-don-vi/tong-cuc-duong-bo-viet-nam-to-chuc-hoi-nghi-trien-khai-nhiem-vu-ke-hoach-nam-2020-c25n1014?fbclid=IwAR3AnLGxP2egsIFy4wA5F7-TUcwTZjSIvPagq58k8N0txvI79PEJThWm–A#.XhKanKRfxGQ.facebook