Việc chủ trì xây dựng, ban hành và hướng dẫn các địa phương triển khai áp dụng Khung tham chiếu CNTT-TT (ICT) phát triển đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ Bộ TT&TT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 950 ngày 1/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Trên thực tế, tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã có kế hoạch và bắt đầu xây dựng các dự án thí điểm về phát triển đô thị thông minh như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Bình Dương, Đà Lạt, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ… Tuy nhiên, qua phản ảnh từ một số tỉnh, thành phố, thời gian qua các địa phương đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án mô hình thành phố thông minh do chưa có Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh..
Trong quyết định 829 ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) mới đây, Bộ TT&TT nêu rõ, mục đích xây dựng Khung tham chiếu này là để làm căn cứ cho việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc phát triển đô thị thông minh.
Cụ thể, việc xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam, theo Bộ TT&TT, cần được thực hiện theo các nguyên tắc chung, bao gồm: Lấy người dân làm trung tâm; Bảo đảm năng lực cơ sở hạ tầng thông tin tạo ra hệ sinh thái số đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh. Đẩy mạnh dùng chung cơ sở hạ tầng thông tin, khuyến khích dữ liệu mở gồm những dữ liệu có thể hiểu được (được mô tả tường minh), sử dụng và khai thác được bởi tất cả các bên tham gia xây dựng đô thị thông minh. Dữ liệu mở do chính quyền địa phương sở hữu và chia sẻ cho các bên liên quan (nếu cần).
Bảo đảm tính trung lập về công nghệ, chú trọng áp dụng công nghệ ICT phù hợp với đô thị thông minh như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… và có khả năng tương thích với nhiều nền tảng; tận dụng, tối ưu cơ sở hạ tầng ICT sẵn có; Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, năng lực ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin, đặc biệt là hạ tầng thông tin trọng yếu; bảo vệ thông tin riêng tư của người dân.
Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế, địa phương chủ động xây dựng và triển khai Đề án tổng thể xây dựng đô thị thông minh, có tầm nhìn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ, gắn liền với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương (nhu cầu quản lý, nhu cầu của người dân, các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức). Việc xây dựng đô thi thông minh phải đảm bảo tính kế thừa và phát triển bền vững các giá trị văn hóa – kinh tế, xã hội, các giá trị vật chất và phi vật chất của các địa phương.
Về phạm vi áp dụng, quyết định mới của Bộ TT&TT cho hay, Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh là căn cứ để xây dựng, triển khai: đề án đô thị thông minh, các dự án đầu tư phát triển đô thị thông minh, các kế hoạch thuê dịch vụ đô thị thông minh và kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh của địa phương.
Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh là một tập các thành phần ICT ở mức logic và các chức năng của đô thị thông minh để gắn kết các lĩnh vực, các ứng dụng, các dịch vụ đô thị thông minh bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong phát triển đô thị thông minh.
Trong quyết định mới ban hành, Bộ TT&TT cũng đưa ra quy định về các thành phần của Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, bao gồm: lớp đối tượng sử dụng; lớp ứng dụng thông minh, lớp hỗ trợ dịch vụ và dữ liệu, lớp điện toán và lưu trữ, lớp mạng kết nối, lớp thu thập dữ liệu, hệ thống bảo mật, hệ thống xây dựng, hệ thống bảo trì và hoạt động, hệ thống định danh, hệ thống định vị cùng Trung tâm xử lý điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm.
Các địa phương có thể tìm hiểu thông tin chi tiết về Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) mới được Bộ TT&TT ban hành tại đây.
Ngoài ra, để triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0), Bộ TT&TT cũng đã nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị như Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Sở TT&TT địa phương.