Hà Nội chuẩn bị lập Quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 theo phương pháp tích hợp, đa ngành. Nhiều ý kiến cho rằng, để quy hoạch này được thực hiện mang tính thực tiễn cao và phát huy được đồng bộ nguồn lực, đồng thời đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin về quy hoạch rất lớn của người dân, Doanh nghiệp phải cấp thiết xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về quy hoạch.
Theo quy định hiện hành, với thông tin quy hoạch, Phòng TN&MT của các quận, huyện nơi mảnh đất tọa lạc sẽ nắm thông tin này và sẽ cung cấp khi có yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ để người dân có được thông tin từ cơ quan chức năng nêu trên. Hoặc có được cung cấp thì những bản đồ quy hoạch bằng giấy còn nặng tính kỹ thuật, dường như là một sự đánh đố với nhiều người. Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Văn Cường cho rằng, theo luật, tất cả các quy hoạch hiện nay đều được công bố đầy đủ. Tuy nhiên, người dân có được tiếp cận hay không và tiếp cận bằng cách nào, nhất là đối với các bản quy hoạch chi tiết… vẫn còn hạn chế. “Ví như dự án đường Vành đai 1, nếu có quy hoạch công bố công khai từ lâu thì người dân nắm rõ, chắc chắn sẽ không có những phản đối gay gắt. Hà Nội hiện chưa có đơn vị nào đứng ra xây dựng hệ thống lưu trữ thông tin tập trung về quy hoạch, thông tin quy hoạch nằm phân tán ở mỗi sở, ngành như vậy là không ổn” – ông Hoàng Văn Cường nhận định.
Đồng quan điểm này, các chuyên gia cũng cho rằng, thời đại công nghệ 4.0 thì các lớp quy hoạch, các lớp thông tin quy hoạch cần được tổng hợp và đưa lên môi trường mạng. Điều này không chỉ phục vụ công tác chuyên môn, quản lý mà còn tư vấn cho người dân như một dịch vụ công.
Cấp thiết xây dựng kho dữ liệu dùng chung
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho rằng, sau khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019, nhiều địa phương đã triển khai lập quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp đa ngành như xây dựng, giao thông, cấp thoát nước, công thương, môi trường… Do đó, việc xây dựng một kho dữ liệu tổng thể, dùng chung cho các ngành là việc rất cấp thiết hiện nay. “Khi kho dữ liệu này được hình thành sẽ là cơ sở để theo dõi, đánh giá quá trình đô thị hóa, thực hiện quy hoạch và cung cấp dịch vụ công. Góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, giám sát quy hoạch, thực thi quy hoạch, hiểu biết về quy hoạch cho người dân”- ông Lưu Quang Huy nhấn mạnh.
Được biết tại Hà Nội, các sở, ngành của TP dựa trên lĩnh vực quản lý của mình cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu riêng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có sự đồng nhất về chuẩn dữ liệu dùng chung. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc phải có một cơ quan đứng ra chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, tích hợp thống nhất về quy hoạch giữa các ngành trên không gian TP là vô cùng cần thiết. Bởi lẽ trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, khi có hệ thống cơ sở dữ liệu GIS số hóa với chất lượng tốt, đầy đủ sẽ có những đánh giá mang tính khách quan, tham mưu tốt hơn cho người làm quy hoạch cũng như các cơ quan quản lý trong quá trình kiểm tra giám sát thực hiện theo quy hoạch được duyệt, nhất là khi Hà Nội chuẩn bị lập quy hoạch tích hợp, đa ngành theo Luật Quy hoạch.
Theo PGS.TS Lưu Đức Cường – Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, hệ thống chỉ tiêu và cơ sở dữ liệu về quy hoạch là các thông số kỹ thuật nhằm thể hiện các mục tiêu, chiến lược, định hướng quy hoạch, tập hợp thông tin thể hiện nội dung cơ bản về quy hoạch được xây dựng, cập nhật, duy trì để quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý phát triển đô thị. Thiếu dữ liệu cơ bản phục vụ công tác nghiên cứu lập quy hoạch và quản lý phát triển đô thị là một vấn đề lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các đồ án quy hoạch. “Hiện nay, tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng không có hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành thống nhất phục vụ cho công tác quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị mà phân tán trong hệ thống dữ liệu của các bộ, ngành, cơ quan địa phương. Đây thực sự là lỗ hổng lớn gây hệ lụy trong việc quy hoạch sử dụng đất” – PGS.TS Lưu Đức Cường cho biết.