Ông Nguyễn Văn Thành – Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ IV cho biết, Cục Quản lý Đường bộ IV đã chỉ đạo các chi cục, đơn vị sử dụng phần mềm “Quản lý bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông GovOne” trong công tác tuần đường, tuần kiểm đường bộ, đã triển khai từ ngày 01/01/2019. GovOne là giải pháp hệ thống thông tin quản lý đường bộ hợp nhất cho các tỉnh, thành phố để triển khai xây dựng các hệ thống thông tin quản lý cho các sở, ngành, quận, huyện theo mô hình điện toán đám mây (đa tổ chức, đa người dùng). Ứng dụng di động govone.vn cho phép người dùng thu thập dữ liệu tại thực địa, tra cứu thông tin đối tượng quản lý, xem báo cáo và thực hiện các chức năng nghiệp vụ khác trực tiếp trên di động.
Việc sử dụng phần mềm VBMS (Vietnam Bridge Management System) quản lý cầu trực tuyến lưu dữ liệu hệ thống quản lý tất cả các cầu trên hệ thống quốc lộ mà đơn vị phụ trách cũng đã được thực hiện từ ngày 01/3/2017. Dự án VRAMP (Dự án Quản lý tài sản Đường bộ Việt Nam) thu thập dữ liệu tài sản đường bộ và khai thác cơ sở dữ liệu được lưu trữ trên nền tảng điện toán đám mây. Hiện tại, Dự án đang triển khai thu thập dữ liệu, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2019. Đây là hệ thống dùng để quản lý và khai thác 32 dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt dùng để xây dựng kế hoạch bảo trì hàng năm dựa trên dữ liệu thu thập và cập nhật.
Các đơn vị trong Cục đều đã tiến hành triển khai đào tạo tập huấn sử dụng phần mềm GovOne trong công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường bộ. Kết quả sau khi đào tạo tập huấn, tất cả cán bộ tuần đường, cán bộ quản lý của các đơn vị bảo trì, cán bộ tuần kiểm đều nắm bắt được và sử dụng thành thạo phần mềm GovOne trong công tác tuần đường, tuần kiểm.
Thông qua phần mềm cán bộ quản lý ở Cục, chi cục, cán bộ quản lý các công ty nắm rõ được các vấn đề đang xảy ra trên tuyến đường, ngoài ra việc sử dụng phần mềm GovOne giúp cho cán bộ quản lý công ty, chi cục, Cục có thể nắm bắt được công tác tuần đường, tuần kiểm trên tuyến đường.
Ông Thành nhấn mạnh: “Việc sử dụng phần mềm GovOne giúp đơn giản hóa, hiện đại hóa công tác tuần đường đối với cán bộ đi tuần và thuận tiện cho việc theo dõi lực lượng tuần đường đối với cán bộ quản lý. Bên cạnh đó, thông tin về sự cố đường bộ được gửi về cho những người có trách nhiệm gần như ngay lập tức, kết nối hiện trường và văn phòng, không phải mất vài tiếng đến vài ngày như trước đây nhằm hạn chế tối đa các tổn thất có thể xảy ra do sự cố đường bộ; theo dõi các sự cố đường bộ, tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ, tình trạng xe quá tải… Những địa bàn mà đơn vị quản lý chưa bao giờ lại đơn giản như vậy khi các thông tin cần thiết được tập trung trên cùng một màn hình, hiển thị rõ vị trí trên bản đồ và cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết khi cần. Theo trình tự, thông tin về tình trạng xử lý các sự cố cũng được tập trung và hiển thị rõ ràng, trực quan theo trạng thái”.
Lực lượng Thanh tra Chi cục 4.3 ( Cục Quản lý Đường bộ IV) giải tỏa hành lang QL30
Ông Thành cũng cho biết thêm, không chỉ sử dụng phần mềm trên mà trong công tác bảo trì, đơn vị đã sử dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại QL1 tỉnh Long An; QL27 tỉnh Lâm Đồng; sử dụng công nghệ trải Microsurfasing (phủ lớp vữa nhựa polymer Microsurfasing trên bề mặt đường bê tông nhựa hiện hữu) tại một số dự án như: Công trình triển khai thí điểm lớp phủ Microsurfacing trên QL54 tỉnh Trà Vinh; QL61 tỉnh Hậu Giang.
Trong quá trình hoạt động, Cục IV đã gặp không ít khó khăn như thiên tai, bão lũ…, đặc biệt là biến đổi khí hậu khiến khu vực thường xuyên ngập úng. Vào tháng 10/2018, lũ dâng cao gây ngập sâu nhiều khu nội ô các tỉnh, thành phố trong khu vực, nhất là tại TP. Cần Thơ; các tỉnh: Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng. Hiện trên địa bàn quản lý của Cục có 6 tuyến quốc lộ với 37 điểm, đoạn bị ngập (QL1: 25 điểm, QL53: 8 điểm, QL54: 1 điểm, QL63: 1 điểm, QL91: 1 điểm, Nam sông Hậu: 1 điểm) do triều cường và lũ hàng năm.
Để quản lý tốt hơn cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đơn vị đã đề xuất 3 giải pháp với ngành GTVT, đó là:
Thứ nhất là giải pháp xây dựng đập ngăn triều tại các cửa kênh rạch chính trong khu vực có cốt nền thấp. Đây là một giải pháp cần được xem xét và nghiên cứu thấu đáo. Hạn chế của giải pháp này là kinh phí rất lớn và cần phải có thời gian nghiên cứu, có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành của nhiều địa phương.
Thứ hai là giải pháp xây tường chắn nước dọc theo quốc lộ ngăn cách với kênh rạch vì đa số các tuyến quốc lộ chạy dọc kênh rạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đều qua vùng đất yếu nên chi phí xây dựng lớn và khi khai thác sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gây khó khăn cho sinh hoạt của bà con nhân dân.
Thứ ba là giải pháp tôn cao nền mặt đường. Với giải pháp này có thể phân kỳ đầu tư cho từng năm, cụ thể là đoạn ngập nặng trên QL1 cần tôn cao nền mặt đường trong năm 2018 – 2019