Tới đây, người dân có thể biết được đơn vị nào, số tiền bao nhiêu dành cho bảo trì một tuyến đường và phản ánh tình trạng mất ATGT qua smart phone.
Mới chỉ công khai nội bộ
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cần có quy định bắt buộc công khai các cơ quan, đơn vị quản lý các tuyến đường giao thông, kinh phí phục vụ cho việc duy tu, bảo dưỡng để nhân dân giám sát trực tiếp việc quản lý công trình, sử dụng kinh phí bảo dưỡng. Việc này cũng giúp thuận tiện phản ánh khi có bất cập về hạ tầng kỹ thuật công trình giao thông, hạn chế mức thấp nhất việc người dân không được sử dụng cơ sở hạ tầng tốt nhất, ngân sách bị lãng phí, hạn chế tai nạn giao thông.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị diễn đàn oto+ cho biết, nhiều tài xế khi đi trên đường gặp ổ trâu, ổ gà, bức xúc nhưng không biết phản ánh đến cơ quan nào, cơ quan nào là đầu mối. Nhiều tuyến đường quản lý chưa tốt, xuống cấp, chưa đảm bảo êm thuận. Khi phải đi một tuyến đường xấu, cảm giác lái xe không thoải mái và nguy cơ xảy ra mất an toàn cao, cảm giác thấy tiếc tiền, không biết tiền đóng bảo trì đi đâu.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho biết, hiện chúng ta chuyển sang hình thức đấu thầu để chọn nhà thầu bảo trì nên chu kỳ 2 – 3 năm có sự thay đổi đơn vị quản lý tuyến đường. Vì vậy trong mối quan hệ với chính quyền, cơ quan quản lý địa phương không được thiết lập và duy trì thường xuyên.
“Khác với trước đây, hiện nhà thầu quản lý đường đúng bản chất là doanh nghiệp, mục tiêu chính của họ là hướng tới tìm kiếm lợi nhuận nên tính chất khác rất nhiều. Vì vậy, việc công khai các dữ liệu về tuyến đường để nhân dân giám sát là rất cần thiết”, ông Quyền nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, bản chất đã công khai nhưng mới chỉ công khai giữa các cơ quan quản lý qua phần mềm quản lý cầu PBMS nhưng chưa công khai với dân. Tổng cục Đường bộ VN đang xây dựng phần mềm quản lý đường và sẽ công khai toàn quốc.
Tuy nhiên, ông Điệp cho rằng, hình thức công khai thế nào cần tính toán vì còn phụ thuộc vào hiệu quả và nguồn lực đầu tư. Việc công khai bằng hình thức biển báo sẽ không mang lại nhiều hiệu quả vì chỉ có tác dụng ở phạm vi hẹp cho những người sống xung quanh tuyến đường. Hơn nữa, thông tin thường xuyên thay đổi, nhà thầu quản lý đường là không cố định, khi có sự thay đổi phải điều chỉnh.
“Một lái xe ở tận Cà Mau ra ngoài Bắc có thể biết thông tin để phản ánh. Quan trọng là đối với người ít đi đến tuyến đường đó. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng Chính phủ điện tử được cập nhật trên mạng, người dân có thể xem thông qua thiết bị di động”, ông Điệp nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, danh mục và kinh phí các dự án bảo trì hàng năm đã được công khai trên báo chí. Hiện chưa có quy định nào phải công khai những dữ liệu về quản lý tuyến đường mà chỉ quy định công khai về danh mục tài chính, tổng số tiền dành cho bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ.
Ngồi nhà cũng biết ai quản lý tuyến đường
ũng theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, người dân sẽ không thể nhớ hết được hàng trăm đơn vị quản lý từng tuyến đường, tốt nhất là chỉ nên có một đầu mối nhận phản ánh. “Cần có một ứng dụng nhận phản ánh và phản hồi cho người dân về kết quả xử lý. Không thể nói một câu: “Cám ơn anh đã phản ánh” là xong. Cần có quy trình phản ánh, tiếp nhận và phản hồi. Phần mềm tiếp nhận phản ánh cần có cả hình ảnh, thông tin và phản hồi kết quả xử lý cũng bằng hình ảnh”, ông Thắng nói.
Đề cập vấn đề này, TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Có nhiều cách để cung cấp và tiếp nhận thông tin như qua đường dây nóng hay xây dựng bản đồ số, khi người dân kích chuột vào tuyến đường nào đó sẽ có ngay thông tin về đơn vị quản lý, số điện thoại để phản ánh. Cần sớm ban hành quy chế về tổ chức, khai thác, vận hành tiếp nhận thông tin, trong đó cần quy trách nhiệm cụ thể từng khâu, ai tiếp nhận thông tin và sau bao lâu phải ra quyết định xử lý phản ánh của người dân.
Theo ông Lê Hồng Điệp, việc công khai thông tin sẽ gây sức ép cho cơ quan quản lý Nhà nước, nhà thầu quản lý đường phải tổ chức quản lý chặt chẽ, lắng nghe phản ánh của nhân dân, kịp thời xử lý những bức xúc người dân phản ánh, quản lý đường không xuống cấp. Tuy nhiên, để toàn diện thì cũng giống như nền hành chính công vụ phải cải cách, tin học hóa nền hành chính.
“Để khắc phục được những hạn chế trên, môi trường tốt nhất để công khai là qua mạng. Hiện Chính phủ đang xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó sẽ có mục công khai về cơ sở dữ liệu về hạ tầng. Khi đó, người dân chỉ cần thiết bị điện thoại sẽ biết được các thông tin cụ thể về tuyến đường, đơn vị quản lý, số tiền đã được dùng để bảo trì, tóm tắt lịch sử bảo trì, thời hạn bảo trì, sửa chữa, hay đến thời kỳ rồi lại không được sửa chữa”, ông Điệp nói.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/dan-se-giam-sat-bao-tri-duong-bo-qua-mang-d436996.html