Bước vào giai đoạn tiến lên xây dựng thành phố thông minh ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm mang lại sự tiện ích, thân thiện và an toàn cho người dân trên toàn thành phố, với vai trò đi trước một bước, ngành Giao thông Vận tải Thủ đô đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ của mình là phát triển giao thông thông minh ở Hà Nội.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có diện tích lên tới 3.300 km2, với hơn 7 triệu dân sinh sống. Theo đó, những vấn đề về quy hoạch và an sinh xã hội trở thành những thách thức không nhỏ cho Thủ đô. Xây dựng mô hình thành phố thông minh ứng dụng công nghệ mới thời kỳ 4.0 là xu thế tất yếu, trong đó giao thông là một trong những lĩnh vực sẽ được thành phố tập trung triển khai.
Có nhiều định nghĩa về khái niệm giao thông thông minh nhưng có thể hiểu đơn giản hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport Systems – ITS) là hệ thống các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hướng tới mục tiêu cung cấp các giải pháp, dịch vụ hữu ích cho người và phương tiện tham gia giao thông, giúp tổ chức giao thông an toàn, thuận tiện hơn và hạn chế các tai nạn, sự cố khi tham gia giao thông.
Ở nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Australia… đã triển khai giao thông thông minh nhưng do còn nhiều hạn chế về công nghệ và cơ sở hạ tầng, những hệ thống này hoạt động chưa thực sự hiệu quả khi áp dụng vào thực tế.
Với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội đang tập trung xây dựng hình hài, nền móng cho thành phố thông minh, trong đó ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin để giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải.
Theo các chuyên gia giao thông, để xây dựng thành phố thông mình ở Hà Nội, trước hết hệ thống giao thông phải thông minh, kết nối phải đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ và đáp ứng nhu cầu đa dạng về giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng đa phương thức (đường bộ, đường sắt…). Hình thành các đầu mối trung chuyển giữa các loại hình giao thông, các khu vực đầu mối trung chuyển này có thể hình thành và phát triển đô thị theo mô hình TOD.
Giáo sư, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Đỗ Hậu – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, để xây dựng hệ thống giao thông thông minh, Hà Nội phải có một quy hoạch giao thông thông minh; cần ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, điều hành diễn biến giao thông trên đường phố, có các thiết bị đo mức độ ô nhiễm từ phương tiện giao thông; tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Hiện Sở đã có văn bản báo cáo thành phố chấp thuận chủ trương triển khai chính thức phần mềm GovOne phục vụ công tác quản lý duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn và mở rộng phạm vi ứng dụng đối với lực lượng Thanh tra giao thông.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, trong năm 2019, Sở Giao thông Vận tải sẽ tham mưu với thành phố về số hóa cơ sở hạ tầng giao thông, phối hợp với Công ty FPT triển khai bản đồ giao thông số trực tuyến, tăng cường kết nối hệ thống camera giám sát. Sở cũng đang kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan sớm xây dựng phần mềm quản lý đối với hệ thống GPS trực tuyến của các loại hình xe kinh doanh vận tải, nhằm cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm như: dừng đỗ sai hành trình, đi quá tốc độ, lái quá giờ quy định.
Với những thành phần cơ bản của hệ thống thông minh đang được triển khai, ông Vũ Văn Viện kỳ vọng, hệ thống giao thông thông minh đưa vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao năng lực tổ chức giao thông, quản lý giao thông tốt hơn, xử lý kịp thời các vi phạm, mang tính răn đe cao hơn và xây dựng ý thức tự giác chấp hành an toàn giao thông của người dân.
Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình quản lý vận hành tổng thể hệ thống, trong đó có các vấn đề về giao thông. Việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh với những bước đi khoa học, bài bản từ lập quy hoạch đến xây dựng các đề án và triển khai đề án theo quy hoạch… hài hòa trong tổng thể bức tranh thành phố thông minh, sẽ tạo nên những mảng sáng cho giao thông Thủ đô, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của thành phố ngày càng phát triển trong tương lai.